Bé tăng cân chậm lại hay ốm vặt
Bác sĩ ơi, bé nhà em dã 34 tháng nhưng cân nặng chỉ có 10kg, em đã cho bé đi khám dinh dưỡng thì kết luậ bé bị thiếu sắt, thiếu kẽm. Em đã cho bé uống thuốc theo đơn của bác sĩ nhưng bé vẫn lên cân chậm, bé lại rất hay ốm Bác sĩ có thể tư vấn thêm cho em được không ? quả thật bé hay ốm, cân nặng thấp như vậy khiến em thật sự stress lắm ạ.
Bác sĩ BÁC SĨ CK1 NGUYỄN THỊ NGỌC HƯƠNG
4:29pm 21/10/2019
Chào bạn,
Bé trai 34 tháng cần có cân nặng trung bình 13,6kg và chiều cao từ 94 đến 96cm. Như vậy có 2 vấn đề bạn cần làm để phục hồi tình trạng dinh dưỡng cho bé: Giúp bé giảm bệnh vặt và giúp bé phục hồi cân nặng, chiều cao.
Đây là những nội dung cần làm giúp bé giảm bệnh vặt:
- Hướng dẫn bé cách giữ gìn vệ sinh cá nhân (cách rửa tay, khi nào cần rửa tay, không ăn thức ăn đã rơi xuống đất, không ngậm đồ chơi…)
- Giữ môi trường xung quanh bé sạch, đặc biệt là hạn chế cho bé tiếp xúc với bụi, lông chó, mèo...
- Cho bé chủng ngừa đầy đủ.
- Cho bé uống nhiều nước.
- Cho bé ăn rau, trái cây để bé nhận đủ các vitamin bảo vệ cơ thể, như: vitamin C, vitamin A, vitamin E.
- Giữ ấm cơ thể cho bé khi chuyển mùa, nhiệt độ phòng ngủ, phòng chơi của bé nên trong khoảng 25 – 27 độ C.
- Hạn chế cho bé tiếp xúc với người bệnh.
- Hạn chế cho bé đến những nơi đông người trong mùa dịch bệnh.
Sau đây là khẩu phần ăn giúp bé hồi phục cân nặng lẫn chiều cao:
Ngày bé đi học: từ sáng đến 14g30 bé ăn ở trường.
16 giờ: 150ml - 180ml sữa tươi (tranh thủ cho bé uống trên đường đi học về để bữa sữa này có khoảng cách thời gian hợp lý với bữa cơm kế tiếp).
18 giờ 30: Ăn cơm (đến giờ này bạn hãy cho bé ăn cơm, vì nếu ăn sớm hơn, bé chưa tiêu hóa xong hộp sữa uống lúc 16 giờ nên sẽ chưa có cảm giác đói), lượng thực phẩm cho một bữa cơm:
- Cơm mềm: 1/2 chén.
- Thực phẩm giàu đạm mềm (thịt/ cá/ tôm…): 35g (phần ăn được, sau khi đã bỏ vỏ, bỏ xương).
- Rau, củ, trái mềm và có độ nhớt cao để nấu canh: khoai mỡ, rau đay, lá rau mồng tơi, bí xanh, bí đỏ, bầu, cà chua…: 25-30g.
- Chất béo có thể là dầu hoặc mỡ động vật (mỡ heo, mỡ gà,.mỡ cá,...) hoặc bơ, chọn phù hợp với món ăn: 5-10ml.
21giờ30: 200ml sữa (có thể là sữa tươi hoặc sữa bột pha)
Ngày nghỉ, ngày lễ: bé ăn như sau:
7 giờ: 1 chén món nước (phở, nui nước, súp, miến nước… ) có thêm 5 - 10ml dầu tinh luyện, ăn trong 20-30 phút, nếu bé không thích ăn nữa thì ngưng và bổ sung ngay sau bữa ăn các món ăn bé thích, như sữa, sữa chua, váng sữa, các loại bánh, phô mai…
9giờ: 180 ml sữa tươi
11giờ30: Ăn cơm: lượng thực phẩm cho một bữa cơm:
- Cơm mềm: 1/2 chén.
- Thực phẩm giàu đạm mềm: 30g (phần ăn được, sau khi đã bỏ vỏ, bỏ xương).
- Rau, củ, trái mềm và có độ nhớt cao để nấu canh: khoai mỡ, rau đay, lá rau mồng tơi, bí xanh, bí đỏ, bầu, cà chua…: 25g.
- Chất béo có thể là dầu hoặc mỡ động vật (mỡ heo, mỡ gà,.mỡ cá,...) hoặc bơ tùy theo món ăn: 5-10ml.
- Trái cây ăn ngay sau bữa cơm, được bao nhiêu hay bấy nhiêu.
15 giờ: 180 - 200ml sữa tươi hoặc sữa bột pha.
18 giờ: Ăn cơm với lượng thực phẩm giống lúc 11 giờ 30.
21giờ30: 200ml sữa (có thể là sữa tươi hoặc sữa bột pha).
Nếu làm như hướng dẫn mà bé cải thiện tốt cân nặng, chiều cao và giảm bệnh vặt, thì bạn tiếp tục làm; nếu tình trạng ngày càng tệ, bạn nên cho bé tái khám lại để được bác sĩ kê toa hỗ trợ các chất dinh dưỡng, men vi sinh, men tiêu hóa giúp bé giảm bệnh và cải thiện tốt hơn.
Mến,
BSCK1. Nguyễn Thị Ngọc Hương