“Tẩm bổ” cho trẻ cũng phải đúng cách
Không có niềm hạnh phúc nào bằng nhìn con yêu bụ bẫm, khôn lớn từng ngày. Cũng chính ở tâm lý luôn muốn con khỏe mạnh phát triển tốt nhất, không ít gia đình đã chẳng quản công sức, tiền bạc để tẩm bổ cho trẻ, ngay cả những thứ đắt tiền và quý hiếm như yến sào, nhung hươu, nhân sâm,.. cũng không tiếc cho con. Nhưng bổ đâu chưa thấy, nhiều bà mẹ phải phiền não vì con hoặc béo phì, hoặc rối loạn sức khỏe hoặc vẫn còi cọc như thường. Việc ưu tiên bổ sung dinh dưỡng cho trẻ là điều tốt, nhưng tẩm bổ cũng phải đúng cách, các mẹ hãy cùng tham khảo những nội dung sau nhé.
Không phải thực phẩm nào trẻ cũng có thể ăn
Nhiều bà mẹ có suy nghĩ món nào mình ăn được thì trẻ cũng ăn được, đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm, vì có rất nhiều thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm bổ dưỡng không thích hợp cho trẻ nhỏ hoặc không nên cho trẻ ăn quá nhiều. Ví dụ như nhân sâm, sữa ong chúa, đông trùng hạ thảo, sâm,... được các bác sĩ khuyến cáo không nên dùng cho trẻ dưới 13 tuổi. Những thực phẩm bổ dưỡng này dễ làm thay đổi các nội tiết tố bình thường trong cơ thể, làm cơ thể trẻ phát triển nhanh hơn bình thường dễ đẫn dến dậy thì sớm. Hay nhung hươu, cao ngựa tuy là những thực phẩm hết sức bổ dưỡng, giúp tăng cường cơ bắp, sảng khoái tinh thần, ăn ngủ tốt nhưng cũng không được dùng tùy tiện mà không theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Không nên dùng sữa ong chúa cho trẻ dưới 13 tuổi
Chế biến món ăn đúng cách
Việc chế biến món ăn và cho trẻ ăn uống khoa học cũng là một nhân tố hết sức quan trọng trong việc tẩm bổ cho trẻ, giúp trẻ hấp thụ được dưỡng chất trong món ăn một cách tốt nhất.
Không ít bà mẹ cảm thấy phiền não khi kỳ cạch nấu nướng tỉ mỉ cho con cả buổi mỗi ngày nhưng con vẫn còi cọc, thậm chí suy dinh dưỡng. Khi đó, cần chú ý cách bồi bổ của mẹ cho con có đúng khoa học và hợp lý chưa. Chẳng hạn, ngày nào cũng ninh xương lấy nước nấu cháo cho con nhưng không cho bé ăn xác thực phẩm. Chính hiểu lầm “ngon” ở nước hầm đã làm hoài công người mẹ, vì dù ninh kỹ đến mấy thì dưỡng chất cũng không tan vào nước được như chất đạm (trong cá, tôm, thịt...) và chất xơ trong rau củ. Do đó, nên cho bé ăn cả phần cái và phần nước để bé nhận được đủ dinh dưỡng.
Chú ý về liều lượng và tần suất cho ăn
Đây cũng là một trong những vấn đề mà nhiều bà mẹ thường sai nhất. Thấy món nào con thích ăn là nấu cho ăn suốt, hay nghe nói món này bổ dưỡng là tẩm bổ “vô tội vạ” cho con mà không tìm hiểu về liều lượng và tần suất cho ăn thích hợp, là một trong những nguyên nhân làm bé trở nên biếng ăn hay trầm trọng hơn là còi cọc, rối loạn tiêu hóa.
Nhiều cha mẹ rỉ tai nhau cho con ăn yến sào tốt cho sức khỏe, kích thích ăn uống liền mua về cho con ăn liên tục trong thời gian dài. Trong thành phần của yến tỷ lệ đạm rất cao, trên 30%, có loại tỷ lệ này lên đến 40-50%, ngoài ra còn có các chất dinh dưỡng khác. Với tỷ lệ đạm ở yến cao như vậy, khi trẻ ăn quá nhiều, thậm chí ăn thay cả các bữa ăn khác, sẽ dẫn đến rối loạn tiêu hoá, thiếu chất do chế độ ăn không cân bằng.
Chỉ có thể dùng yến cho trẻ từ 1 tuổi trở đi và chỉ hạn chế dùng khoảng 70ml/ngày, xen kẽ với các bữa ăn có các nhóm thực phẩm khác
Với trẻ việc cung cấp dưỡng chất tốt nhất là một bữa ăn luôn đảm bảo 4 nhóm thực phẩm đạm, béo, bột, rau. Các chất này cần được cân đối hài hòa, tránh chỉ chú trọng tới chất béo, chất đạm mà bỏ qua những chất khác. Nếu ăn quá nhiều chất này mà thiếu chất kia thì bé cũng không thể tiêu hóa và hấp thu tốt được.
Chúc các mẹ luôn là những “chuyên gia dinh dưỡng” cho sự phát triển toàn diện của con yêu!
Xem thêm các chủ đề: