Phân biệt suy dinh dưỡng và còi xương ở trẻ
Nhiều bà mẹ thường gộp và hiểu suy dinh dưỡng trẻ em và còi xương là một bệnh, cứ thấy trẻ thấp bé nhẹ cân hơn bình thường là bảo cháu bị còi xương suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, đây là hai bệnh khác nhau. Có trẻ bụ bẫm ăn ngủ tốt (không suy dinh dưỡng) nhưng vẫn bị bệnh còi xương (còi xương thể bụ bẫm). Mặt khác, nhiều trẻ còi cọc, suy dinh dưỡng nhưng không hề bị còi xương.
Phân biệt hai loại bệnh lý
1. Trẻ suy dinh dưỡng
Là tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết làm ảnh hưởng đến quá trình sống, hoạt động và tăng trưởng. Trẻ bị suy dinh dưỡng, có số đo về cân nặng và chiều cao đều thấp hơn trẻ bình thường, cũng có thể kèm theo bệnh còi xương hoặc không.
Xem biểu hiện của trẻ suy dinh dưỡng
Nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng trẻ em là do các bà mẹ thiếu kiến thức nuôi dưỡng, cho con ăn bổ sung quá sớm hoặc quá muộn, thức ăn không đảm bảo chất lượng, cai sữa sớm, trẻ bị nhiễm trùng cấp hoặc mãn tính (viêm phế quản mãn, ỉa chảy, lao, sởi...), trẻ bị thiếu ăn điều kiện gia đình khó khăn, thức ăn cả chất và lượng đều không đủ và các yếu tố nguy cơ: trẻ đẻ nhẹ cân, bị các dị tật bẩm sinh, tập quán nuôi dưỡng và chăm sóc sai khoa học, trẻ biếng ăn...
2. Trẻ bị còi xương
Trẻ em bị còi xương là do cơ thể bị thiếu hụt vitamin D làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu và chuyển hóa canxi và phốt pho. Nguyên nhân bệnh là do không cung cấp đủ nhu cầu về canxi và phốt pho cho nhu cầu phát triển dẫn đến có những tổn thương ở xương. Bệnh có thể gặp ở cả những đứa trẻ rất bụ bẫm, do nhu cầu về canxi, phốt pho cao hơn trẻ bình thường.
Những dấu hiệu chứng tỏ trẻ bị còi xương:
- Trẻ hay quấy khóc, ngủ không yên giấc, hay giật mình, ra nhiều mồ hôi khi ngủ. Xuất hiện rụng tóc vùng sau gáy tạo thành hình vành khăn.
- Các biểu hiện ở xương: thóp rộng, bờ thóp mềm, thóp lâu kín, có các bướu đỉnh, bướu trán (trán dô), đầu bẹp cá trê. Các trường hợp còi xương nặng có di chứng: chuỗi hạt sườn, dô ức gà, vòng cổ chân, cổ tay, chân cong hình chữ X, chữ O.
- Răng mọc chậm, trương lực cơ nhẽo, táo bón. Chậm phát triển vận động: chậm biết lẫy, biết bò, đi, đứng…
Khi trẻ bị còi xương cần:
+ Cho trẻ tắm nắng hàng ngày: để chân, tay, lưng, bụng trẻ lộ ra ngoài từ 10 -15 phút lúc buổi sáng (trước 9 giờ) hoặc chiều sau 5 giờ khi nắng đã dịu.
Dưới da có sẵn các tiền vitamin D (7dehydrocholesterol), dưới tác dụng của tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời, các tiền vitamin sẽ được hoạt hóa chuyển thành vitamin D. Vitamin D có tác dụng điều hòa chuyển hóa và hấp thu canxi, phốt pho, ánh nắng mặt trời phải được chiếu trực tiếp trên da mới có tác dụng, nếu qua lần vải thì sẽ còn rất ít tác dụng, qua kính thì không có tác dụng.
+ Thuốc uống (thường dùng các thuốc sau)
- Thuốc Calcium Corbiere, ống 5ml gồm có: 0.55g Calci glucoheptonat, 0.05g Vitamin C, 0.025g Vitamin PP.
- Thuốc Aquadetrim Vitamin D3 có: Cholecalciferol 15.000 IU/ml (1ml khoảng 30 giọt).
Nên uống theo chỉ dẫn của bác sĩ, không nên tự ý cho trẻ uống thuốc dù đó là thuốc bổ. Đặc biệt vitamin D dễ có nguy cơ quá liều. Nhu cầu vitamin D hàng ngày ở trẻ và liều dùng cần được xác định cho từng cá nhân, kiểm tra định kỳ và thay đổi cho phù hợp, đặc biệt trong những tháng đầu của trẻ.
Chuyên Gia Dinh Dưỡng - NutiFood
Xem thêm các chủ đề:
- Bé chậm tăng cân nên uống sữa gì?
- Các loại sữa cho bé trên 1 tuổi tăng cân khỏe mạnh
- Trẻ tăng cân chậm và giải pháp hiệu quả từ chuyên gia