Nguyên nhân làm trẻ chậm tăng cân mà các mẹ thường bỏ qua
Khi thấy bé tăng cân chậm đa phần các bà mẹ đều tập trung tẩm bổ vào chế độ ăn uống cho bé. Điều này có thực sự hợp lý, mẹ cần tìm ra nguyên nhân sâu xa để có cách nuôi con khỏe mạnh phát triển tốt nhất.
Trẻ tăng cân chậm nỗi lo của các bà mẹ
Làm sao để biết trẻ chậm tăng cân hay không?
Thông thường việc theo dõi và phát hiện tình trạng chậm tăng cân của bé thường thông qua các buổi khám sức khỏe định kỳ, khi đó mẹ sẽ biết được liệu cân nặng bé nhà mình có đang đạt chuẩn hay không. Bên cạnh đó, nếu mẹ có một thang đo cân nặng chính xác và biết cách sử dụng thì hoàn toàn có thể theo dõi cân nặng của bé bất cứ khi nào cần thiết. Mẹ có thể tham khảo bảng chiều cao cân nặng chuẩn cho trẻ từ 0 -10 tuổi để biết liệu bé nhà mình có đang đạt chuẩn trung bình theo độ tuổi hay đang gặp phải tình trạng chậm tăng cân.
Ngoài ra, mẹ có thể suy đoán được tình trạng chậm tăng cân của bé thông qua những biểu hiện như bé thường xuyên mệt mỏi, biếng ăn, thể trạng yếu, vóc dáng nhỏ, tay chân gầy guộc, mặt xanh xao,...
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm tăng cân ở trẻ
Dưới đây là một số nguyên nhân khiến bé tăng cân chậm:
1.Cách pha sữa cho bé không đúng công thức
Mẹ pha sữa bột, sữa công thức cho con trẻ quá loãng, chưa đủ số lượng sữa cần thiết để cung cấp dinh dưỡng và năng lượng cho cơ thể của bé, điều này cũng khiến con tăng cân chậm. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh nên chú ý pha sữa đúng với công thức đã in trên nhãn hộp sữa để đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cho bé hấp thu.
2. Hệ tiêu hóa của trẻ đang gặp vấn đề
Hệ tiêu hóa non yếu của trẻ đang gặp một số vấn đề như rối loạn tiêu hóa, táo bón, khó tiêu,... chính là một trong những nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn chậm lớn. Các bậc cha mẹ nên đưa bé đi khám hệ tiêu hóa, để tìm hiểu nguyên nhân và có cách chăm sóc khoa học, phù hợp nhất với cơ thể của trẻ.
Đưa trẻ đi khám bác sĩ để chắc chắn hệ tiêu hóa của bé không gặp vấn đề
3. Giun tấn công khiến trẻ tăng cân chậm
Trẻ nhỏ là đối tượng thường xuyên bị giun ghé thăm. Khi bị giun ký sinh trong đường ruột, trẻ tăng cân chậm hơn so với bình thường, do chất dinh dưỡng cung cấp vào đường ruột đều bị giun hút bớt. Hãy cho bé đi khám đường ruột thường xuyên và tẩy giun theo định kỳ hoặc theo chỉ định của bác sĩ để bảo vệ con nhỏ tốt hơn.
4. Trẻ nạp quá nhiều lượng đạm vào cơ thể
Nhiều phụ huynh lầm tưởng cho trẻ ăn nhiều thực phẩm giàu đạm sẽ nhanh tăng cân và giúp con phát triển toàn diện. Tuy nhiên nếu trẻ ăn quá nhiều chất đạm sẽ tạo ra một dạng chất trung gian gây độc, khiến gan và thận của bé phải hoạt động quá sức, dẫn đến tình trạng trẻ chán ăn, táo bón. Mẹ lưu tâm trẻ từ 1-3 tuổi chỉ nên nạp 28-30g chất đạm/ngày vào cơ thể (tương đương 100-120g thịt/cá nạc).
5. Chỉ nước hầm xương là chưa đủ
Hầu hết các mẹ đều nghĩ rằng ninh xương lấy nước nấu cháo cho con là đủ chất dinh dưỡng tinh túy có trong nước cháo. Thực chất, nước cháo có vị ngọt và mùi thơm vẫn chưa đủ dưỡng chất, vì chất đạm vẫn còn lại bên trong xác thịt. Vậy nên, các mẹ hãy cho con trẻ ăn cả xác thịt để bé hấp thu trọn vẹn dinh dưỡng.
6. Thường xuyên cho bé ăn cháo dinh dưỡng mua ngoài
Cho trẻ ăn cháo dinh dưỡng bên ngoài cũng khiến bé chậm tăng cân
Cuộc sống bận rộn khiến nhiều bậc cha mẹ không có thời gian nấu cháo dinh dưỡng và đồ ăn cho con nhỏ. Một số phụ huynh thường xuyên mua cháo từ bên ngoài mang về cho con ăn vừa nhanh chóng lại tiện lợi. Điều này có thể gây hại cho con nhỏ nếu cháo dinh dưỡng bên ngoài không rõ nguồn gốc, được nêm nếm nhiều mì chính để có vị ngọt, cùng một số phụ gia, ít dinh dưỡng sẽ không tốt cho sức khỏe của trẻ. Tốt nhất, cha mẹ hãy cố gắng dành thời gian tự chế biến đồ ăn cho con mỗi ngày để bảo đảm sức khỏe và sự phát triển của bé.
7. Mẹ ít sữa
Mẹ ít sữa hoặc mất sữa cũng là nguyên nhân thường gặp khiến bé chậm tăng cân. Tuy nhiên bạn có thể cải thiện tình trạng này bằng một số phương pháp như cho bé bú nhiều bữa trong ngày, nghỉ ngơi hợp lý, chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, uống nhiều nước, giảm bớt áp lực và mệt mỏi,..Nếu mẹ gặp phải các bệnh lý dẫn đến tình trạng ít sữa thì mẹ nên tới gặp bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn và có phương pháp khắc phục phù hợp nhé
8. Mẹ cho bé bú không đúng cách
Trong vòng 6 - 8 tuần đầu sau sinh, mẹ nên cho bé bú đều đặn 2 - 3 tiếng mỗi ngày để đảm bảo lượng dinh dưỡng. Mẹ cũng cần theo dõi bé thường xuyên, nếu bé có biểu hiện muốn bú thêm, mẹ nên đáp ứng nhu cầu của bé, tránh để bé bị đói òa khóc rồi mới cho bé bú.
Những yếu tố nguy cơ khiến trẻ tăng cân chậm
Bên cạnh những nguyên nhân nêu trên, một số yếu tố nguy cơ sau đây có thể dẫn đến tình trạng chậm tăng cân, suy dinh dưỡng ở trẻ:
- Trẻ sinh không đủ tháng : Trẻ sinh non trước 37 tuần (thường trong khoảng 28 - 37 tuần thai kỳ) thường gặp phải các vấn đề như sức khỏe yếu, nhẹ cân, chưa phát triển hoàn thiện về thể chất lẫn tâm thần,..khiến trẻ không đủ sức hoặc gặp khó khăn khi bú sữa mẹ. Bên cạnh đó, trẻ sinh non thường xuất hiện tình trạng rối loạn thân nhiệt và rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển của bé trong giai đoạn đầu đời
- Bệnh lý nôn trớ, trào ngược dạ dày : Việc nôn trớ liên tục sau khi bú không chỉ khiến bé bị mất một lượng sữa đáng kể mà lượng axit từ dạ dày có thể khiến cho cổ họng bé bị gây kích thích, khiến bé gặp khó khăn và gây khó chịu trong quá trình bú mẹ.
- Bệnh vàng da : Bệnh vàng da ở trẻ cũng thường xảy ra do trẻ sinh non, bệnh này sẽ gây cảm giác buồn ngủ và khiến bé lười bú.
Ngoài ra, nếu trẻ mắc các bệnh lý như bệnh tim thiếu máu, bệnh liên quan đến phổi, nhiễm sắc thể, rối loạn chuyển hóa hoặc nội tiết tố,...đều có thể dẫn đến tình trạng chậm tăng cân. Khi trẻ gặp những vấn đề trên, mẹ nên đưa bé đến các cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và có hướng điều trị phù hợp.
Mẹ nên làm gì khi trẻ tăng cân chậm ?
Khi trẻ chậm tăng cân mẹ có thể thực hiện các biện pháp sau để giúp trẻ nhanh chóng tăng cân và bắt kịp bạn bè đồng trang lứa :
- Thực đơn đầy đủ dinh dưỡng : Một trong những yếu tố quan trọng giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất cũng như trí não chính là cung cấp đầy đủ dinh dưỡng trong các khẩu phần ăn hằng ngày của bé. Trong bữa ăn của bé cần luân phiên thay đổi các món để bé không cảm thấy chán ăn và kích thích sự thèm ăn của bé. Cân đối các loại thực phẩm trong khẩu phần ăn cũng như bổ sung các nhóm thực phẩm cần thiết theo từng độ tuổi.
- Bổ sung thêm lượng dầu mỡ : Dầu mỡ đóng vai trò quan trọng trong thực đơn dinh dưỡng của trẻ, chúng cung cấp nhiều năng lượng cần thiết cho trẻ, vì số lượng thức ăn của trẻ ít mà nhu cầu năng lượng cao nên trẻ phải ăn nhiều dầu mỡ hơn người lớn theo nhu cầu năng lượng và cân nặng thì mới đáp ứng đủ nhu cầu. Bên cạnh đó, chế độ ăn thiếu dầu mỡ sẽ khiến bé không hấp thụ được các loại vitamin A, K, D, E,..dẫn đến tình trạng còi xương, suy dinh dưỡng.
- Tránh ép bé ăn : Việc ép bé ăn bằng hết khẩu phần ăn được định sẵn sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng trớ thức ăn và khiến bé cảm thấy sợ mỗi khi đến bữa ăn và có thể gây ra tình trạng biếng ăn về sau
- Chia nhỏ bữa ăn trong ngày : Mẹ có thể chia nhỏ bữa ăn hằng ngày của bé ra khoảng 5 - 6 bữa trong ngày, mẹ cũng có thể cho bé ăn thêm bữa tối trước khi ngủ, việc chia nhỏ bữa ăn giúp bé dễ dàng hấp thụ chất dinh dưỡng hơn cũng như giúp bé dễ ăn hơn.
- Thêm sữa chua vào khẩu phần ăn : Trong sữa chua chứa hàng ngàn lợi khuẩn có lợi cho đường ruột và kích thích trẻ tiêu hóa tốt hơn, chính vì thế mẹ có thể thêm 1 - 2 muỗng sữa chua trong khẩu phần ăn của trẻ, giúp trẻ ăn ngon miệng hơn
- Bổ sung thêm dinh dưỡng : Bổ sung các chất dinh dưỡng ngoài bữa ăn cũng góp phần quan trọng giúp bé hấp thu đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết và tăng cân nhanh hơn. Chính vì vậy, mẹ có thể bổ sung thêm các nguồn dưỡng chất khác như các loại trái cây, sinh tố hay các loại sữa giúp bé tăng cân.
Mong rằng với những thông tin bổ ích trên đây, sẽ giúp các mẹ hiểu hơn về những nguyên nhân khiến trẻ tăng cân chậm và có cách chăm sóc hiệu quả nhất.
Tham khảo các bài viết:
- Sữa grow plus đỏ giúp trẻ phát triển toàn diện cả thể chất lẫn trí não
- Suy dinh dưỡng trẻ em và những điểm cần lưu ý
- Sữa grow plus xanh cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho trẻ