Phòng ngừa suy dinh dưỡng với kẽm
Kẽm là một trong những có dưỡng chất quan trọng đặc biệt cho sự phát triển chiều cao, cơ bắp, thần kinh và miễn dịch của trẻ ngay từ những năm đầu đời. Nếu trẻ thiếu kẽm sẽ thường dễ bị suy dinh dưỡng, còi cọc và chậm lớn. Nếu bổ sung kẽm đúng cách, trẻ bị suy dinh dưỡng, đặc biệt là thấp còi sẽ có sự phục hồi rõ rệt cả về tốc độ phát triển chiều cao và cân nặng.
Vai trò của kẽm
Bạn có biết, nếu trẻ khi sinh ra có chiều dài chênh 1 cm so với mức trung bình, thì ở độ tuổi trưởng thành, chiều cao của trẻ có thể chênh lệch lên đến 3cm so với mức trung bình của trẻ cùng độ tuổi.
Kẽm có vai trò thúc đẩy sự tăng trưởng, tăng cảm giác ngon miệng của trẻ giúp trẻ tránh khỏi tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em và trẻ biếng ăn. Đồng thời, kẽm còn giúp phát triển và duy trì hoạt động hiệu quả của hệ thống miễn dịch, giúp bảo vệ cơ thể trẻ trước bệnh tật, giúp vết thương mau lành.
Kẽm rất cần thiết cho sự phát triển và khả năng thực hiện chức năng của hệ miễn dịch. Hệ thống miễn dịch đặc biệt nhạy cảm với tình trạng thiếu kẽm của cơ thể. Thiếu kẽm sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển và chức năng của hầu hết các tế bào miễn dịch. Ngoài ra, kẽm còn giúp bình thường hoá hoạt động của thị lực và tính toàn vẹn ở da.
Đặc biệt, kẽm tập trung nhiều ở hệ thần kinh, chiếm khoảng 1,5% tổng lượng kẽm trong toàn bộ cơ thể. Nếu cơ thể được bổ sung đầy đủ kẽm đặc biệt là ở trẻ em sẽ giúp cho trẻ có khả năng tư duy, trí nhớ tốt.
Do vậy, thiếu kẽm sẽ làm ảnh hưởng lớn lao đến quá trình sinh trưởng và phát triển của trẻ. Với tầm quan trọng đó, kẽm cần được bổ sung ngay từ trong thai kỳ của mẹ và trong 6 tháng đầu đời.
Nguyên nhân khiến trẻ bị thiếu kẽm
Vốn là một dưỡng chất đóng vai trò rất quan trọng nhưng kẽm thường không được chú ý bổ sung đủ cho trẻ trong bữa ăn hàng ngày.
Thường kẽm có nhiều trong các loại thực phẩm như hàu, sò, gan heo, hạt điều, đậu phộng… Đây đều là những loại thực phẩm thường trẻ không thích ăn. Do vậy ba mẹ không thường xuyên cho trẻ ăn, chính vì vậy lâu dần dẫn đến tình trạng trẻ không được bổ sung đủ kẽm.
Do cách chế biến thực phẩm, cách nấu nướng dẫn đến việc chất kẽm bị hao hụt. Hoặc trẻ bị mắc một số bệnh dẫn đến việc thải trừ kẽm nhưng lại không được bổ sung kịp thời, gây nên tình trạng suy dinh dưỡng.
Ảnh hưởng khi trẻ bị thiếu kẽm
Thiếu kẽm đang là vấn đề phổ biến của nhiều trẻ do các nguyên nhân thường gặp như: trẻ sinh non, không được bú mẹ, trẻ bị suy dinh dưỡng (đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi), trẻ hay mắc các bệnh nhiễm trùng và ký sinh trùng như tiêu chảy, giun, sán...
Nhu cầu kẽm cần cung cấp cho trẻ dưới 1 tuổi vào khoảng 5mg/ngày, ở trẻ 1-10 tuổi khoảng 10mg/ngày, thanh thiếu niên và người trưởng thành khoảng 15mg/ngày đối với nam và 12mg/ngày đối với nữ; phụ nữ mang thai cần 15mg/ngày, cho con bú 6 tháng đầu cần 19mg/ngày và cho con bú lúc 6-12 tháng cần 16mg/ngày.
Các loại thức ăn bổ sung kẽm
Sau đây là danh sách các loại thức ăn có nhiều kẽm: hàu, sò, gan heo, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng...). Kẽm có nhiều nhất trong các thực phẩm như trai, sò; khá nhiều trong thịt nạc đỏ (heo, bò), ngũ cốc thô và các loại đậu (25-50mg/kg). Ngũ cốc qua sơ chế, gạo đánh bóng, thịt mỡ chứa lượng kẽm vừa phải (10-25 mg/kg).
Cá, rau củ, rau lá xanh và trái cây cũng chứa kẽm nhưng ít. Với trẻ sơ sinh nên được bú mẹ vì kẽm trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn nhiều so với sữa bò. Lượng kẽm trong sữa mẹ ở tháng đầu tiên là cao nhất (2-3mg/l), sau 3 tháng thì giảm còn 0,9mg/l. Do đó, mẹ cần có chế độ dinh dưỡng bổ sung nhiều thực phẩm giàu kẽm để cung cấp đủ cho cả mẹ và trẻ. Ngoài ra, để trẻ có thể hấp thụ kẽm tốt nhất và tăng cân khỏe mạnh, mẹ nên bổ sung vitamin C cho trẻ từ chính các loại trái cây tươi giàu lượng vitamin C sẵn có như cam, chanh, quýt, bưởi…
Chuyên Gia Dinh Dưỡng - NutiFood
Xem thêm các chủ đề:
- Bé không tăng cân nên uống sữa nào?
- Cách để trẻ tăng cân không cần ép ăn
- Dinh dưỡng hiệu quả giúp bé tăng cân khỏe mạnh