Tại sao con chậm tăng cân?
Về sinh lý, quá trình trao đổi chất của trẻ em mạnh hơn người lớn, bé ra nhiều mồ hôi để điều hòa nhiệt độ cơ thể và tuyến mồ hôi hoạt động mạnh về đêm.
Hỏi: Bé trai nhà tôi 28 tháng, nặng 12kg, cao 92 cm. Cháu thông minh, lanh lợi, ăn uống được nhiều loại thức ăn, nhưng không tăng cân. Không biết cháu có bệnh gì không? Bác sĩ có thể cho biết nguyên nhân làm bé chậm tăng cân?
Trả lời: Chào bạn! Bé nhà mình có cân nặng thấp hơn chuẩn, nhưng vẫn nằm trong giới hạn bình thường, chiều cao của bé phát triển tốt, bạn không nên quá lo lắng. Một số nguyên nhân làm bé chậm tăng cân bạn cần lưu ý:
Chưa cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng theo lứa tuổi của cháu: Bạn nên duy trì thói quen cho bé ăn đa dạng các loại thức ăn, kiểm tra số lượng, chất lượng, đảm bảo tính an toàn vệ sinh thực phẩm và tỷ lệ cân đối 4 nhóm dưỡng chất.
Cụ thể bé từ 2-5 tuổi nhu cầu khuyến nghị:
- Nhóm bột đường như gạo 120-160g/ngày (1 chén cơm vừa khoảng 60g gạo), có thể thay thế phở, bánh mì, nui, khoai...
- Nhóm chất đạm như thịt nạc khoảng 120-140g/ngày, có thể thay thế cá, trứng, tôm, cua... nếu là cá tôm 140-160g, 1 trứng thay thế 40g thịt, 1 tuần ăn 2-3 trứng.
- Nhóm chất béo như dầu ăn hoặc mỡ 40 ml/ngày.
- Nhóm giàu vitamin và khoáng chất: Rau củ quả khoảng 150-200g/ngày.
- Và sữa từ 500ml/ngày trở lên. Bạn nên chọn các loại sữa có năng lượng cao dành cho trẻ khỏe mạnh để cung cấp đủ nhu cầu năng lượng giúp cho cháu phát triển thể chất tốt. Bình thường sau 2 tuổi bé tăng 200g/tháng, cao 0,5-0,8cm.
Cách chế biến, kết hợp món ăn không đúng: Làm giảm giá trị dinh dưỡng của thực phẩm như uống sữa cùng lúc uống nước cam, uống nước ngọt có gas, ăn quá nhiều chất đạm mà thiếu rau quả, ăn quá mặn làm giảm hấp thu canxi, hoặc vitamin B1, vitamin C trong rau xanh dễ bị mất nếu ngâm nước quá lâu, nấu nhừ, không đậy nắp khi nấu.
Thời gian các bữa ăn không hợp lý: Do ban ngày bố mẹ bận đi làm, tối về cho con ăn bù, trong khi đó buổi sáng và trưa là thời gian tiêu hóa, hấp thu thức ăn tốt nhất. Nếu bé ăn no, uống sữa gần giờ đi ngủ, uống sữa đêm làm bé ngủ không ngon giấc ảnh hưởng tiết hormon tăng trưởng làm bé chậm lớn.
Chế độ sinh hoạt có nhiều xáo trộn, ăn uống không điều độ, thức khuya, ngủ sau 22 giờ, ngủ không đủ giấc, ngủ ít hơn 8 tiếng/ngày: Đều ảnh hưởng đến bài tiết dịch tiêu hóa, yếu tố thần kinh, yếu tố nội tiết... làm bé chậm tăng cân.
Một số bệnh lý không được phát hiện như thiếu vi chất, nhiễm giun sán, táo bón, nhiễm trùng tai mũi họng, đều ảnh hưởng sức khỏe của bé.
Bạn nên tìm nguyên nhân, có giải pháp khắc phục sớm để cháu khỏe mạnh, tăng cân và phát triển chiều cao đúng theo lứa tuổi, ngăn ngừa tình trạng suy dinh dưỡng.
Hỏi: Con trai tôi 4 tuổi nặng 15kg, cao 100cm. Cháu ăn uống bình thường, rất tinh nghịch, chạy nhảy suốt ngày, ra mồ hôi rất nhiều, đêm cũng ra mồ hôi trộm, thỉnh thoảng đau nhức 2 bắp chân. Có phải do cháu vận động nhiều quá nên nhu cầu dinh dưỡng của cháu ăn vào không đủ hay do bé bị thiếu canxi nên chậm lớn thưa bác sĩ?
Trả lời: Đối với những bé hiếu động như bé nhà mình thì năng lượng bạn cung cấp cho cháu phải nhiều hơn nhu cầu các bé bình thường! Bé nhà mình theo biểu đồ tăng trưởng vẫn trong giới hạn bình thường, nhưng cân nặng thua chuẩn trung bình 1kg, bé không tăng cân chứng tỏ chế độ ăn chưa cung cấp đủ nhu cầu năng lượng cho cháu.
- Về sinh lý, quá trình trao đổi chất của trẻ em mạnh hơn người lớn, bé ra nhiều mồ hôi để điều hòa nhiệt độ cơ thể và tuyến mồ hôi hoạt động mạnh về đêm. Bé ra mồ hôi đêm có thể do sinh lý, hoặc do bé lo lắng, căng thẳng trước khi ngủ, hoặc do đắp chăn dày, nhiệt độ phòng nóng. Hoặc đổ mồ hôi trộm bệnh lý do thiếu canxi và vitamin D, bé sẽ còi xương, chậm lớn, hay bị chuột rút, biếng ăn, dễ mắc bệnh đường hô hấp, cũng có bé ra mồ hôi trộm khi mắc bệnh mãn tính khác. Tốt nhất bạn nên cho cháu kiểm tra sức khỏe để loại trừ những bệnh này.
- Bạn nên cho cháu ăn nhiều hơn hiện tại một chút, chú ý khẩu phần đủ và cân đối dưỡng chất, tăng số lượng sữa trên 600ml mỗi ngày, chọn sữa giàu dinh dưỡng giúp tăng cân. Để biết năng lượng bạn cung cấp có đủ cho cháu không bạn nên cân đo cháu mỗi tháng, theo dõi trên biểu đồ tăng trưởng tham khảo tại https://www.nutifood.com.vn/vi/nhat-ky-suc-khoe/bmi-tre-em.html để điều chỉnh chế độ ăn hợp lý.
Khi cơ thể ra nhiều mồ hôi dẫn đến thiếu nước, vitamin và khoáng chất. Nên bạn phải thường xuyên cho cháu uống nước ngay cả khi cháu không khát. Những lúc cháu ra quá nhiều mồ hôi nên cho cháu uống nước oresol, nước chanh đường muối, nước dừa... Cố gắng sắp xếp thời gian để cháu vừa có hoạt động thể chất, vừa có những hoạt động trí tuệ để cháu phát triển toàn diện.
BS CK1 Hoàng Hồ Thống Nhất - Chuyên gia Dinh dưỡng NutiFood
Xem thêm các chủ đề: