Suy dinh dưỡng – Vấn đề không của riêng ai
Dù mức sống người dân Việt Nam đang ngày càng được nâng cao, nhưng theo thống kê tháng 10 năm 2014 của Bộ Y Tế, nước ta có đến hơn 3,3 triệu trẻ em đang phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng.
Suy dinh dưỡng trẻ em là tình trạng cơ thể bé thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết, gây ảnh hưởng đến quá trình sống, hoạt động và phát triển bình thường của trẻ.
Mẹ cần chú ý những biểu hiện của trẻ suy dinh dưỡng
Phân loại suy dinh dưỡng
Suy dinh dưỡng trẻ em ở mức độ nhẹ và vừa được chia làm 2 loại: suy dinh dưỡng thể thấp còi và suy dinh dưỡng thể nhẹ cân. Trong đó:
Suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là tình trạng bé không đạt cân nặng theo chỉ số bình thường về độ tuổi so với bạn bè cùng trang lứa cũng như theo thang đo của Bộ Y Tế.
Suy dinh dưỡng thể thấp còi là tình trạng bé chậm phát triển chiều cao, mức phát triển chỉ đạt dưới 90% so với chỉ số chuẩn.
Thông thường bố mẹ và ngay cả các nữ hộ sinh chỉ quan tâm đến cân nặng của trẻ mà quên theo dõi cũng như đo đạc chiều cao, nhưng thật ra việc tốc độ tăng chiều cao không bình thường ở trẻ cũng là một biểu hiện của sự suy dinh dưỡng.
Suy dinh dưỡng trẻ em ở mức độ nặng được chia làm 3 loại: thể teo, thể phù và thể hỗn hợp.
Trẻ bị suy dinh dưỡng thể teo có thể trạng gầy guộc, mất hết lớp mỡ dưới da, cơ thể thiếu hoàn toàn các chất dinh dưỡng thiết yếu.
Suy dinh dưỡng thể phù là tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng khi trẻ được cho ăn nhiều tinh bột, đường mà thiếu đi các dưỡng chất đa lượng và vi lượng khác, gây ảnh hưởng xấu đến quá trình làm việc của các cơ quan bên trong cơ thể.
Suy dinh dưỡng thể hỗn hợp là tình trạng trẻ gầy đi nhưng có thể có phù do thiếu các vi chất dinh dưỡng, đặc biệt nếu thiếu nhiều vitamin A, trẻ dễ bị khô mắt và có thể bị mù lòa vĩnh viễn.
Nguyên nhân nào gây suy dinh dưỡng ở trẻ em?
Một điều rất may mắn là số trường hợp trẻ em suy dinh dưỡng ở nước ta hiện nay chủ yếu là ở thể nhẹ cân và thấp còi, không gây nguy hiểm nghiêm trọng cho trẻ nếu sớm tìm ra nguyên nhân và được khắc phục kịp thời.
Bản chất tên gọi “suy dinh dưỡng” cũng đã thể hiện nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng này là do trẻ bị thiếu chất dinh dưỡng. Nhưng nói đến nguyên nhân sâu xa, các bậc phụ huynh sẽ dễ hình dung hơn và biết mình nên làm gì đấy!
- Điều kiện ăn của bé
Sinh ra trong gia đình khó khăn, trẻ em không được ăn uống đầy đủ để cơ thể hấp thu dưỡng chất là nguyên nhân thường thấy tại các vùng nông thôn Việt Nam.
Không chỉ vậy, việc mẹ thiếu sữa trong giai đoạn đầu nên bé phải bú ngoài nhưng do chủ quan hoặc điều kiện kinh tế mà không thể cung cấp cho bé các dưỡng chất cần thiết khác.
Bên cạnh đó, chế độ ăn dặm quá sớm (trước 4 tháng tuổi) hoặc cai sữa quá sớm cũng khiến hệ tiêu hóa bé yếu, dẫn đến không tiêu hóa được hoặc kém hấp thu, khiến cơ thể bị thiếu chất dinh dưỡng dù đã được cung cấp.
- Trẻ biếng ăn
Đây là tình trạng thường gặp nhất là trong giai đoạn tập ăn dặm cho bé. Bé yêu nhà bạn có thể nhả bỏ, từ chối mọi món ngon mà bạn đầu tư công sức làm ra và không ít mẹ đã phải đau đầu vì điều đó.
Nguyên nhân làm trẻ biếng ăn có thể là do trẻ đang trong một giai đoạn phát triển, khiến cơ thể khó chịu, lười ăn (tập bò, tập đi, mọc răng, ...), hoặc cơ thể không khỏe (ho, cảm, sốt, rối loạn tiêu hóa, ngứa ngáy, ...), hay do tâm lý không thoải mái của bé khi ăn (ép bé ăn món bé không thích, áp lực về lượng thức ăn, ăn nhiều lần cùng một món, bị hăm dọa/đánh khi không ăn, ...).
Song song đó, các loại thuốc, siro kích thích trẻ ăn ngon có thể phản tác dụng khi gây khó tiêu, rối loạn hệ vi sinh đường ruột ở một số trẻ, từ đó làm trẻ biếng ăn.
- Nhiễm giun sán
Có thể bé nhà bạn không kén ăn, thậm chí ăn nhiều, ngủ khỏe nhưng vẫn không tăng cân. Nếu vậy, một lý do bạn nên cân nhắc là tình trạng nhiễm giun sán ở trẻ.
Trẻ con thường thích khám phá, đùa nghịch với nhiều chất bẩn mà chúng ta không thể kiểm soát hết được, do vậy bạn nên thường xuyên tẩy giun định kỳ cho bé theo hướng dẫn của bác sĩ trong từng độ tuổi. Tránh để bé gầy guộc và bệnh giun ngày càng tiến triển.
- Môi trường sống
Môi trường sống khắc nghiệt về nhiệt độ, các hoàn cảnh làm bé phải vận động nhiều, tiêu hao nhiều năng lượng, hoặc sống gần các mầm bệnh, môi trường không sạch sẽ,... cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em.
Vậy để phòng tránh suy dinh dưỡng trẻ em bạn nên làm gì?
- Theo dõi chế độ ăn và lượng thức ăn của trẻ
- Chú ý quá trình phát triển của trẻ xem từng giai đoạn lớn lên của con có tốc độ bình thường như những đứa trẻ cùng trang lứa không
- Theo dõi chiều cao, cân nặng hàng tháng của bé để kịp thời phát hiện tình trạng suy dinh dưỡng và tìm ra nguyên nhân
- Quan sát sự thay đổi bề ngoài của trẻ để tránh các biểu hiện của nhiều loại suy dinh dưỡng nêu trên
- Cho trẻ ăn dặm đúng tuổi (từ 6 tháng trở lên), không cai sữa sớm, nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và duy trì ít nhất đến tháng thứ 18- 24
- Tạo không khí vui tươi trong bữa ăn, tránh tối đa các trường hợp biếng ăn ở trẻ
- Tẩy giun thường xuyên, định kỳ và vệ sinh nhà ở, môi trường sống sạch sẽ
Nuôi dưỡng tốt trẻ em hôm nay là gieo mầm xanh cho thế hệ tương lai. Bằng những hành động nhỏ chăm sóc con bạn, là bạn đã góp phần đẩy lùi tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em Việt Nam xuống một con số mới.
Chuyên Gia Dinh Dưỡng - NutiFood
Xem thêm các chủ đề:
- Dinh dưỡng hiệu quả giúp trẻ tăng cân khỏe mạnh
- Giải pháp cho bé tăng cân chậm từ chuyên gia
- Cách làm bé tăng cân không cần ép ăn