Bí kíp đối phó trẻ biếng ăn và kén ăn

Bạn thường làm gì khi bé kén ăn? Hứa cho đồ chơi, dụ bé há miệng, hay hăm dọa? Dù là cách gì trong số đó thì bạn đang biến bữa ăn của bé thành một cuộc trao đổi, đôi lúc xen lẫn “cực hình”. Thật không nên chút nào! Hãy tham khảo 7 bí kíp dưới đây, đơn giản vô cùng nhưng có thể giúp bé nhà bạn hết chứng kén ăn, không còn lo suy dinh dưỡng!

 

  1. Làm mẫu cho bé

Bắt chước là một trong những quy tắc quan trọng trong quá trình phát triển của muôn loài. Gấu con bắt chước gấu mẹ để bắt cá, chim non bắt chước chim mẹ để bay, và bé yêu nhà ta cũng thế.

Trẻ con học bắt chước rất nhanh để biết ngồi, biết cầm, biết nói,... chính vì thế, khi bé tập ăn, bố mẹ cũng nên làm gương tốt để trẻ bắt chước, tránh tình trạng trẻ kén ăn dẫn đến suy dinh dưỡng sau này:

  • Nếu có thể, nên cho bé cùng ăn với gia đình, khi đó, mọi người cùng cho bé thấy ai cũng ăn nhiều loại thức ăn, mọi người vui vẻ và hứng thú với tất cả các món, khi đó, bé sẽ được truyền cảm hứng và nhận thức muốn ăn như mọi người.

  • Trẻ nhỏ rất dễ bị thu hút bởi các hiện tượng xung quanh, do đó, để bé tập trung ăn, mẹ không nên bật phim hoạt hình, ca nhạc, chơi đồ chơi, vì khi đó bé chỉ nhai nuốt theo phẩn xạ mà không có sự cảm nhận mùi vị thức ăn, không biết mình đang ăn gì..., hệ tiêu hóa của bé cũng không làm việc tốt được. Nhiều mẹ thường áp dụng cách này để dỗ bé ăn, nhưng thật ra bạn đang tập thói quen xấu cho bé. Bé chỉ đòi xem tivi lúc ăn nếu như bạn đã tập cho bé quen thôi, còn không bé không thể biết điều đó được. Thay vì vậy, khi cho bé ăn, bạn nên trò truyện, vui đùa, vừa làm bé thích thú, cảm thấy được yêu thương lại vừa học thêm nhiều từ ngữ mới.
  1. Nhất quán trong gia đình

Không chỉ trong việc ăn uống mà kể cả việc dạy dỗ, tất cả mọi người trong gia đình đều phải có cùng một quan điểm trong mọi tình huống để tránh việc bé ỷ lại vào người “bảo kê”.

Ví dụ như khi trẻ biếng ăn, hay kén ăn một loại thực phẩm nào đó, bạn hãy kiên nhẫn dỗ ngọt và vui đùa để bé dần chịu ăn, tránh trường hợp bố hoặc bà chạy đến vỗ về rằng đừng cho bé ăn khi bé không muốn.

Thực ra đây không phải là bạn ép ăn, chỉ là cố gắng dỗ ngọt để bé thử món ăn mới chẳng hạn, nhưng hành vi bênh vực của thành viên khác trong gia đình sẽ làm bé đắc ý, và sẽ lặp lại hành động không muốn ăn đó.

Bên cạnh đó, hãy cho bé thấy ngay từ những nhận thức ban đầu rằng mọi người trong gia đình đều ăn những món giống nhau, không ai đòi hỏi, để bé không có thói quen đòi làm riêng cho mình món yêu thích. Việc mẹ làm riêng cho bé những món ăn khác với gia đình sẽ làm bé cảm thấy mình quan trọng và dần quen với việc kén ăn, đòi hỏi.

  1. Không hối lộ, dọa nạt, không ép ăn

“Ăn hết bát này đi mẹ cho ăn kẹo!”, “ăn thử cái này nữa thôi mẹ cho nghịch nước!”. Nói ra có lẽ rất nhiều mẹ đang dụ dỗ bé ăn bằng cách hối lộ như thế này. Bởi khi đó bé sẽ nghĩ đến phần thưởng yêu thích và có thể cố gắng ăn như yêu cầu. Nhưng bạn hãy để ý, những phần thưởng mục tiêu đó thường không tốt cho bé chút nào! Không chỉ vậy, việc đó còn tạo thói quen xấu cho bé khi đòi hỏi quà để làm điều gì đó tương tự. Nên các mẹ hãy cân nhắc khi trao đổi với bé nhé!

Trái lại với việc dỗ ngọt cho quà là hăm dọa cho... “ăn đòn”. Khi bố mẹ không còn đủ kiên nhẫn để chiến đấu, trẻ con thường phải nghe những lời hăm dọa đến nỗi phát khóc. Việc hăm dọa, lớn tiếng với bé chẳng những không làm bé hết kén ăn, mà còn làm tổn thương bé, làm bé thấy sợ mỗi khi tới giờ ăn.

Vì vậy, ngôn từ và tâm lý khi cho bé ăn cũng rất quan trọng, hãy làm cho bé vui vẻ thử món mới của mẹ. Bạn có biết rất nhiều trường hợp suy dinh dưỡng trẻ em là do tâm lý bé không tốt hay không? Bạn hãy cho bé biết món này xuất hiện trong câu chuyện cổ tích nào? Nhân vật hoạt hình nào thích ăn món này chẳng hạn. Nếu bé vẫn không chịu ăn, bạn cũng không nên ép bé cố ăn, mà hãy dừng lại và cho trẻ ăn thêm lúc khác. Việc chia nhỏ bữa ăn sẽ giúp bé thấy “công tác ăn” nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

  1. Tạo những thói quen khoa học

Tạo thói quen ăn uống khoa học cho bé

  • Cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày và mỗi bữa cách nhau 2 – 3 tiếng
  • Để trẻ đói rồi cho ăn để trẻ ngon miệng, không kén, tránh cho ăn vặt làm bé ngang bụng, không muốn ăn bữa chính.
  • Ngoài giờ ăn, bạn cho bé tham gia các hoạt động vui chơi, vận động để đốt cháy năng lượng, tránh cho ăn vặt bim bim, bánh kẹo, .. để không tạo thói quen xấu cho trẻ.
  • Chỉ nên cho bé ăn một lượng vừa phải, nếu thấy bé còn đói hãy lấy thêm, tránh trường hợp lấy cả bát đầy sẽ gây ngán cho bé khi nhìn thấy. Các mẹ cũng ngán khi nhìn cơm nhiều mà đúng không?
  1. Hay thay đổi món

Việc thay đổi món ăn thường ngày sẽ giúp bé thích khám phá ra món mới, muốn đến giờ ăn để thử hương vị mới, đồng thời trẻ có cơ hội tiếp xúc với nhiều loại thực phẩm để tránh kén ăn sau này.

Bên cạnh đó, bạn có thể trình bày món ăn thật sinh động, dễ thương, rồi vừa cho bé ăn vừa “thuyết trình” để tăng thêm phần hứng thú cho bé. Việc bé chỉ thích ăn một vài loại thực phẩm nào đó lâu dài sẽ gây mất cân bằng dinh dưỡng, một trong những nguyên nhân gây suy dinh dưỡng ở trẻ em, vì vậy các mẹ đừng tiếc công sức và thời gian đầu tư cho bữa ăn của bé nhé!

  1. Món ăn thay thế

Mẹ hãy chú ý thay đổi linh hoạt thực phẩm tương đương khi bé thật sự không thích một loại nào đó.

Ví dụ khi bé không thích rau cải, mẹ có thể thay bằng súp lơ, bé không thích thịt bò, mẹ có thể thay bằng tôm, cá.

Thật ra việc bé không ăn được một loại thực phẩm là hoàn toàn bình thường, do các gai vị giác trên lưỡi bé chưa hoàn thiện nên vị giác của bé sẽ khác chúng ta, thậm chí khi bé lớn lên cũng sẽ khác lúc nhỏ. Đó là lý do vì sao có nhiều món trước đây bạn không ăn được nhưng bây giờ lại thích mê.

  1. Khen ngợi

Khen bé khi bé ăn ngoan

Khích lệ tinh thần bé là điều vô cùng quan trọng. Trẻ nhỏ rất thích được khen, chính vì vậy đừng tiếc lời khen với bé. Dù bé chỉ mới ăn một miếng nhỏ thôi nhưng bạn hãy cứ khen, động viên nhé! Bé sẽ rất thích và luôn cố gắng phát huy. Hành động tưởng chừng như đơn giản ấy lại rất có ích trong quá trình đối phó với trẻ biếng ăn đấy!

Mẹ cũng có thể hứa đưa bé đi dạo vào buổi chiều nếu bé ăn giỏi. Đây không phải là hối lộ vì phần thưởng rất có lợi cho sức khỏe bé và cũng là mục tiêu lâu dài mà đúng không các mẹ?

Danh sách các bí kíp vẫn còn chờ các mẹ tìm hiểu và chia sẻ tiếp đấy! Hãy luôn là một người mẹ thông thái để bé không còn kén ăn và suy dinh dưỡng không còn là nỗi lo nữa các mẹ nhé! 

 

Xem thêm các chủ đề:

Bạn hỏi,

Chuyên gia NutiFood
trả lời

Trao đổi trực tiếp cùng chuyên gia dinh dưỡng của NutiFood để có giải pháp hữu ích và thiết thực nhất cho tình trạng sức khỏe bé yêu.

Câu chuyện

thành công

Là nụ cười của cha khi con vẫy tay “Thưa cha, con đi học”. Là những giọt nước mắt hạnh phúc của mẹ vì cỡ bỉm của con đã tăng lên một size. Là những niềm vui sướng của cô khi các bé hôm nay hoạt bát quá. Là những hân hoan của các chuyên gia phát triển trẻ em ngày đêm nỗ lực cống hiến.
Chỉ có những người đã, và đang làm cha, làm mẹ và những ai đảm nhận trọng trách thiêng liêng trong bước đường phát triển của một đứa trẻ mới hiểu được rằng: Đăng sau mỗi câu chuyện thành là cả một hành trình.