Giải pháp cải thiện cân nặng cho bé 3 tuổi
1. TIÊU CHUẨN THỂ CHẤT:
Cân nặng:
Thông thường trẻ tròn 3 tuổi có cân nặng trung bình khoảng 13.9 – 14.3kg. Lúc này bé tăng cân chậm, khoảng 100 – 200g mỗi tháng. Tốc độ tăng trưởng trung bình mỗi năm là 2kg cho đến tuổi dậy thì. Đây là giai đoạn quan trọng là tiền đề cho sự phát triển của trẻ, mẹ nên quan tâm đến vấn đề cân nặng và theo dõi các chỉ số sức khỏe của bé nhé.Nếu bé không lên cân trong 2-3 tháng liên tiếp, mẹ cần đưa bé đến bác sĩ dinh dưỡng để tư vấn thêm.
Chiều cao:
Chiều cao trung bình của bé lúc tròn 3 tuổi là 95– 96 cm. Giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng chiều dài của con bắt đầu chậm lại, tốc độ tăng trưởng mỗi năm chỉ được 10-12 cm.Từ 3 tuổi cho đến trước tuổi dậy thì, chiều cao của bé tăng bình quân 6-7 cm mỗi năm.
Vận động:
Do sự myelin hoá của hệ thần kinh phát triển nhanh nên phối hợp vận động tốt hơn, các giác quan ngày một nhạy bén và tinh tế. Trên cơ sở đó tạo sự quan sát có mục đích hơn và dẫn tới nhiều thay đổi. Đây được xem là giai đoạn “học ăn, học nói, học gói, học mở” của trẻ .
Trẻ lên 3 có thể đứng bằng 1 chân vài giây, nhảy tại chỗ, nhảy qua vật cản thấp, đạp xe ba bánh,bé gái thích múa, trẻ trai thích tập võ.
Trẻ cũng có thể sử dụng các ngón tay dễ dàng, thích vẽ, vẽ được vòng tròn, xếp tháp bằng 6-8 khối gỗ.
Tư duy và ngôn ngữ
3 tuổi là giai đoạn trẻ có vốn từ tăng nhanh, nói nhiều, nói câu dài và câu phức tạp hơn, thích hát, đọc được bài thơ ngắn.
Trẻ đã có thể nhận biết mình là trai hay gái, biết chơi với trẻ khác, tự mặc và cởi quần áo, dễ tách mẹ, nói được họ tên, hỏi nhiều câu hỏi. Hay bắt chước hành vi của người lớn.
Khả năng trực giác toàn bộ phát triển mạnh hơn. Trẻ thường nhận mọi thứ trẻ thích là của trẻ nên hay lấy các thứ đó. Lúc này trí tưởng tượng phong phú nên có thể vẽ nên câu chuyện, “nói dối” vô thức. Sự tập trung chú ý cao khó di chuyển. Hay thắc mắc hỏi vì sao? tại sao?.
2.NHU CẦU DINH DƯỠNG:
Cách tính nhu cầu dinh dưỡng của trẻ: 1000 Kcal + 100 x Số tuổi.
Canxi
Trẻ 3 tuổi cần khoảng 500mg Canxi/ngày để xây dựng xương và răng, phát triển chức năng thần kinh, cơ bắp, và hỗ trợ quá trình đông máu. Nguồn cung cấp Canxi tốt nhất vẫn là sữa và các sản phẩm làm từ sữa (như sữa chua và phô mai).
Chất xơ
Trẻ cần khoảng 19g chất xơ/ngày để hỗ trợ tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón.
Đạm
Trẻ cần 40g đạm/ngày để xây dựng và tái tạo tế bào, mô. Chỉ cần 3 ly sữa và 120g thịt, bé sẽ có đủ lượng đạm cần thiết. Bên cạnh đó, mẹ cũng có thể bổ sung đạm cho bé thông qua phô mai, sữa chua và trứng.
Đường bột
Trẻ cần 150g đường bột để cung cấp năng lượng cho các hoạt động trong ngày. Các loại thực phẩm giàu tinh bột bao gồm gạo, bánh mì, mì sợi, nui…mỗi ngày bé cần 3 chén cơm mềm.
Chất béo: dầu mỡ nấu trong thức ăn thường sẽ đủ nhu cầu của bé.
Vitamin
Mọi vitamin đều cần cho trẻ nhưng ở lứa tuổi này mẹ nên quan tâm đến vitamin A và Vitamin C. Hai vitamin này rất cần cho sự phát triển bình thường của trẻ, cần cho sự tạo máu, tăng cường sức chống đỡ với bệnh tật. Ở lứa tuổi trẻ cần 400 microgram Vitamin A mỗi ngày để phát triển thị giác và hệ xương, ngăn ngừa nhiễm trùng, thúc đẩy tăng trưởng tế bào và mô, đặc biệt là tóc, móng và da. 30mg Vitamin C mỗi ngày để sản xuất và tái tạo các tế bào hồng cầu, xương và mô; tăng cường hệ thống miễn dịch và ngăn ngừa nhiễm trùng. Vitamin C cũng giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn.
Khoáng chất
Ngoài việc ăn uống đủ, thỉnh thoảng cần cho trẻ ra ngoài tắm nắng tạo điều kiện cho vitamin D hoạt động, giúp cơ thể chuyển hoá tốt canxi và phốtpho. Chất sắt rất cần cho sự tạo máu, sắt còn tham gia vào thành phần nhiều men quan trọng trong cơ thể. Mỗi ngày trẻ cần được cung cấp 7 - 8 mg sắt qua thức ăn để thúc đầy quá trinh vận chuyển oxy trong máu và cơ bắp
3. CHĂM SÓC TRẺ ĐÚNG CÁCH:
Dinh dưỡng phát triển thể chất
Giai đoạn này việc ăn uống của bé đã gần giống như người lớn, tức là bé đã có thể tham gia cả 3 bữa ăn chính của gia đình. Mẹ chỉ cần lưu ý cho bé nhận đủ 4 nhóm thực phẩm trong các bữa ăn chính. Bên cạnh đó, bé vẫn cần ít nhất 3 cữ sữa với khoảng 200ml mỗi cữ để đảm bảo phát triển thể chất, bổ sung thêm chất đạm, vitamin và khoáng chất cho các hoạt động của bé.
Cảm xúc phát triển tư duy
Đây là giai đoạn bé đang tự khẳng định mình, thử xem khả năng của mình có thể làm được gì, không làm được gì... Mẹ sẽ thấy bé trở nên độc lập, bướng bỉnh, thích bắt chước và tham gia vào hầu hết các hoạt động của người lớn, thường gọi là “khủng hoảng tuổi lên 3”
Ba mẹ không nên quá lo lắng sợ trẻ hư. Thay vào đó, chỉ cần hiểu rõ về trẻ, có cách ứng xử khéo léo và giúp trẻ vượt qua giai đoạn này
Để trẻ có thể phát triển tư duy hoàn thiện, ba mẹ cần khuyến khích trẻ làm theo những yêu cầu của mình thay vì áp đặt trẻ làm theo, cần giải thích cho trẻ hiểu vì sao phải như vậy và bày tỏ thái độ tôn trọng trẻ cũng như tôn trọng những việc làm và khả năng của trẻ.
Các chủ đề khác:
- Bé 1 tuổi nên uống sữa gì để tăng cân khỏe mạnh?
- Bé không tăng cân nên uống sữa nào hiệu quả?
- Cách làm bé tăng cân không cần ép ăn