Biểu hiện của các loại suy dinh dưỡng trẻ em
Suy dinh dưỡng trẻ em là tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết, làm ảnh hưởng đến quá trình sống, hoạt động và phát triển của trẻ.
Nhiều người gắn hình ảnh đứa bé gầy guộc với tình trạng suy dinh dưỡng, nhưng bạn có biết, suy dinh dưỡng có nhiều thể với nhiều biểu hiện khác nhau chứ không chỉ xanh xao, ốm yếu.
Vậy suy dinh dưỡng ở trẻ em có những loại nào và biểu hiện ra sao?
Suy dinh dưỡng ở trẻ em được chia thành các mức độ: nhẹ, vừa và nặng và các thể: thấp còi , thể nhẹ cân, thể teo đét, thể phù và thể hỗn hợp.
- Biểu hiện của trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi
Khi bé chậm phát triển chiều cao so với những đứa trẻ đồng trang lứa, chiều cao chỉ đạt dưới 90% mức tiêu chuẩn, thì khi đó bé yêu nhà bạn đang đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi.
Trung bình, chiều cao của trẻ khỏe mạnh lúc mới sinh ở mức khoảng 50cm, trong 3 tháng đầu, mỗi tháng bé sẽ tăng thêm 3cm, và trung bình khoảng 2cm các tháng tiếp theo.
Các mẹ có thể dựa vào bảng tiêu chuẩn sau để theo dõi chiều cao của bé nhé!
Độ tuổi | Chiều cao |
1 tuổi | Gấp rưỡi lúc mới sinh, khoảng 75cm |
2 tuổi | Khoảng 85cm |
4 tuổi | Khoảng 100cm |
4 – 10 tuổi | Tăng đều mỗi năm khoảng 5 – 6 cm |
10 – 18 tuổi | Trẻ dậy thì, chiều cao tăng nhanh, có lúc tăng 8 – 12 cm/năm |
- Biểu hiện của trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân
Suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là tình trạng bé có cân nặng thấp hơn 20% so với cân nặng chuẩn theo tuổi và giới theo WHO.
Bảng cân nặng chuẩn trung bình của trẻ theo tiêu chuẩn của WHO
Tháng tuổi | Cân nặng chuẩn (kg) | |
Bé trai | Bé gái | |
1 | 4,5 | 4,2 |
3 | 6,4 | 5,8 |
5 | 7,5 | 6,9 |
7 | 8,3 | 7,6 |
9 | 8,9 | 8,2 |
12 | 9,6 | 8,9 |
24 | 12,2 | 11,5 |
Trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân thường là trẻ biếng ăn hoặc ăn ít, vẻ ngoài gầy, khó hấp thu.
Có trường hợp bố mẹ chăm chút nhưng bé vẫn không thể tăng cân đều được. Nguyên nhân có thể là do hệ tiêu hóa bé làm việc không hiệu quả ,do trước đây tập ăn dặm sớm làm ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động của hệ tiêu hóa sau này, do bé hay bị bệnh, bị nhiễm giun, hoặc do chế độ ăn chưa cân đối...
- Biểu hiện của trẻ suy dinh dưỡng thể teo
Trẻ em bị suy dinh dưỡng thể teo có vẻ ngoài gầy nhất trong các thể suy dinh dưỡng.
Khi mắc phải tình trạng này, bé chỉ đạt 60% cân nặng tiêu chuẩn, cơ thể gầy khô, hốc hác, chỉ còn da bọc xương và nhăn nheo như người già. Lớp mỡ dưới da, chi, bụng, mông … đều tiêu biến.
Chính vì tình trạng trầm trọng đó mà trẻ sẽ bị đuối sức, thường xuyên nhiễm bệnh, phản ứng kém với môi trường bên ngoài, hay quấy khóc và thường xuyên rối loạn tiêu hóa.
Nguyên nhân là do bé thiếu trầm trọng các chất dinh dưỡng cơ bản thiết yếu bởi điều kiện kinh tế gia đình, mẹ ít sữa hoặc chế độ ăn không phù hợp.
Để phục hồi, trẻ suy dinh dưỡng thể teo cần một chế độ chăm sóc đặc biệt và kỹ lưỡng, phải được điều trị tại bệnh viện.
- Trẻ suy dinh dưỡng thể phù
Không chỉ vẻ bề ngoài ốm yếu mà ngay cả khi bé bụ bẫm vẫn có nguy cơ bị suy dinh dưỡng nha các mẹ!
Ấy là trường hợp bé bị suy dinh dưỡng thể phù. Lúc này trông bé sẽ như sưng phù toàn thân, da trắng bệch hoặc rối loạn sắc tố, cơ mềm ra, mất một ít mỡ dưới da, cân nặng chỉ đạt 60 – 80% tiêu chuẩn. Tóc thưa, móng mềm dễ gãy, ít ăn, chướng bụng.
Trên da xuất hiện những đốm nhỏ màu đỏ rải rác khắp cơ thể, dần co cụm lại, đổi màu sậm và dần bong tróc ra, để lộ lớp da non, rỉ nước, dễ bị nhiễm trùng và lở loét.
Nguyên nhân khiến trẻ bị suy dinh dưỡng thể phù là do không được cung cấp cân đối chất dinh dưỡng, thừa tinh bột, nhưng thiếu trầm trọng protein và các chất khoáng, vitamin.
- Biểu hiện của thể suy dinh dưỡng hỗn hợp
Đây là thể rất nặng, ở thể này, trẻ đạt mức cân nặng dưới 60% như thể teo nhưng cơ thể có biểu hiện phù, trẻ kém ăn, rối loạn tiêu hóa, tay chân teo cơ, trong khi bụng có xu hướng trương phình do gan to.
Trẻ bị suy dinh dưỡng thể hỗn hợp có thể do trước đây đã nằm trong thể phù và được điều trị nhưng chưa dứt điểm.
Biểu hiện chung của các trường hợp suy dinh dưỡng trẻ em đều gây suy yếu sức khỏe ở trẻ, suy giảm chức năng các cơ quan trong cơ thể, thiếu máu, xanh xao.
Vậy có phương thức chung nào có thể phòng tránh các loại suy dinh dưỡng ở trẻ không?
- Cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết ngay từ khi bé còn trong bụng mẹ
- Nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và duy trì đến tháng thứ 18 – 24
- Cho trẻ ăn dặm đúng tuổi (từ tháng thứ 6), thay đổi thực đơn thường xuyên và tạo không khí tích cực trong bữa ăn để chống lại tình trạng trẻ biếng ăn
- Theo dõi định kỳ cân nặng và chiều cao của bé
- Khuyến khích bé tham gia các hoạt động vận động cơ thể và trí não
- Tiêm ngừa đúng lịch theo quy định
- Tẩy giun định kỳ
- Xây dựng thói quen khoa học cho bé, giữ môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát để loại bỏ mầm bệnh và tạo không gian lành mạnh cho sự phát triển của trẻ
Suy dinh dưỡng được chia làm nhiều dạng khác nhau bởi ở mỗi dạng trẻ cần được chăm sóc theo chế độ khác nhau. Hãy thường xuyên theo dõi bé yêu để sớm phát hiện ra các triệu chứng, biểu hiện để nhanh chóng có được sự can thiệp của bác sĩ các mẹ nhé!
Xem thêm các chủ đề: